Thành Hoàng Đế - di tích lịch sử nhiều thăng trầm

Thứ bảy - 23/07/2022 03:55
Cổng thành Đồ Bàn
Cổng thành Đồ Bàn
         Thành Hoàng Đế là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Định gắn với ba thời kỳ lịch sử: Vương quốc Chămpa, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Thành tọa lạc trên địa phận xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, Thị xã An Nhơn cách Tp. Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Thành Hoàng Đế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1982.
Cổng thành Đồ Bàn
Cổng thành Đồ Bàn

         Trong lịch sử tòa thành này từng là kinh đô của vương quốc Chămpa với tên gọi là thành Đồ Bàn. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, kinh đô Chămpa đóng ở thành Đồ Bàn. Đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Chămpa, sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt thì thành Đồ Bàn không còn giữ được vai trò là kinh đô của vưong quốc Chămpa. Cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra vào thế kỷ XVIII thì tòa thành này một lần nữa phát huy vai trò lịch sử của mình. Sau khi chiếm được thành Qui Nhơn (nay là phường Nhơn Thành, Thị xã An Nhơn) Nguyễn Nhạc quyết định chọn thành Đồ Bàn làm đại bản doanh cho phong trào Tây Sơn. Ông xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại. Năm 1778, cũng tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên Thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc.
          Đến năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng Đế mất đi vai trò là kinh đô của chính quyền trung ương và trở thành một tòa thành phòng ngự trấn giữ thành Qui Nhơn. Trong khoảng thời gian từ năm 1793 đến 1802 là bước đường tụt dốc của triều đại Tây Sơn, thành Hoàng Đế là nơi diễn ra liên tục những trận chiến quyết liệt nhất giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Trong đó, trận chiến tiêu biểu nhất là năm 1799, quân Nguyễn do Chưởng hậu quân Võ Tánh đánh chiếm được thành Qui Nhơn. Để ghi dấu sự kiện này, Nguyễn Ánh đã đổi tên là thành Bình Định, giao Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại trấn thủ thành. Mùa đông năm 1799, bước sang năm 1800, hai vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vây đánh thành Bình Định. Trận chiến tại đây khá kéo dài, quân Võ Tánh bị vây hãm trong thành, sức kiệt, lương thực hết. Khi quân trong thành không còn đủ sức để chống trả, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự vẫn. Sau đó, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu xin tha tội cho tất cả tướng sĩ của mình rồi lên lầu bát giác châm lửa tự thiêu. Đến năm 1801, sau khi Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm lại được thành, cảm động trước lòng can đảm của hai tướng nhà Nguyễn nên đã cho an táng tử tế và tha hết quân Nguyễn.
Thành Đồ Bàn
Một góc thành Đồ Bàn
           Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ và sứ mệnh thành Qui Nhơn cũng kết thúc. Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân. Từ đây, thành Qui Nhơn chính thức được gọi là thành Bình Định và là lị sở của trấn Bình Định. Sau khi lên ngôi, vào năm 1805 nhà Nguyễn cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của thành Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu. Đến năm 1815, lị sở của trấn Bình Định được dời vào phía Nam (thôn Kim Châu, nay là khu vực Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Bình Định). Nhà Nguyễn cho triệt hạ hết các cung điện cũ của thành Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).
Một góc di tích
Một góc thành Đồ Bàn

       Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, hiện nay trong khuôn viên Tử Cấm Thành và thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của vương quốc Chămpa, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Các kiến trúc của các thời kỳ nằm đan xen lẫn nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây